VỀ VẤN ĐỀ PHÂN LOẠI TƯ LIỆU TRONG CHƯƠNG TRÌNH LỊCH SỬ 6

Hẳn đến đây, nhiều giáo viên sẽ cảm thấy bối rối, bởi lẽ, một website nhìn qua thì là tư liệu thành văn, nhưng nó được tạo nên bởi các dòng code (mang tính lịch sử) cũng là một dạng hiện vật, hoặc một bộ phim, nó đâu hoàn toàn là truyền miệng, hay một tư liệu dạng hình ảnh chụp một công cụ lao động nhưng khi khai thác chúng ta đâu có khai thác nó theo cách sử dụng tư liệu hình ảnh mà lại khai thác theo đặc trưng của tư liệu hiện vật.

0 4,082

Trong sách giáo khoa Lịch sử ở cả 3 bộ sách (Chân trời sáng tạo, Kết nối tri thức với cuộc sống và Cánh diều), đều phân loại tư liệu thành 4 loại (vì viết thành 4 đoạn tương đương) là :Tư liệu hiện vật, tư liệu thành văn, tư liệu truyền miệng và tư liệu gốc. Cách phân chia này có điểm bất hợp lý mà tôi đã từng phân tích trong một bài viết cách đây không lâu. Đó không phải là 4 loại tư liệu tương đương nhau, bởi lẽ 3 loại tư liệu viết, hiện vật thậm chí là truyền miệng cũng đều được coi là tư liệu gốc.

Chính vì thế, chúng ta nên chia tư liệu thành hai nhóm, dựa trên nguồn gốc/thời gian ra đời của tư liệu, sẽ bao gồm: tư liệu gốc và tư liệu thứ cấp (tài liệu lịch sử). Và dựa trên dạng thức của tư liệu bao gồm tư liệu hiện vật, thành văn và truyền miệng.

Những tưởng cách chia đó khiến cho mọi thứ rõ ràng, và minh bạch hơn tuy nhiên, lại có một vấn đề mới phát sinh. Đó là ,ngày nay, có rất nhiều loại tư liệu mới xuất hiện như: website, video, bản ghi âm, bản sách điện tử, bản chụp mẫu hiện vật… Các tư liệu này sẽ thuộc nhóm nào trong 3 nhóm tư liệu trên? Nếu học sinh đặt ra câu hỏi, hay thắc mắc, giáo viên sẽ giải đáp cho các em như thế nào?

Hẳn đến đây, nhiều giáo viên sẽ cảm thấy bối rối, bởi lẽ, một website nhìn qua thì là tư liệu thành văn, nhưng nó được tạo nên bởi các dòng code (mang tính lịch sử) cũng là một dạng hiện vật. Hoặc một bộ phim, nó đâu hoàn toàn là truyền miệng. Hay một tư liệu dạng hình ảnh chụp một công cụ lao động nhưng khi khai thác chúng ta đâu có khai thác nó theo cách sử dụng tư liệu hình ảnh mà lại khai thác theo đặc trưng của tư liệu hiện vật.

Vậy nên giải quyết vấn đề này sao cho thỏa đáng?

Thứ nhất, ở góc độ chuyên môn lịch sử, chúng ta phải thừa nhận sự không phù hợp của cách phân loại cũ trong SGK. Nó đòi hỏi chúng ta phải bổ sung thêm các cách phân loại mới, ví dụ, tư liệu dạng điện tử hay các tư liệu phân theo lĩnh vực mà tư liệu phản ánh. Cách làm này, sẽ làm cho việc giảng dạy của giáo viên và việc học của học sinh dễ dàng và ít tranh cãi hơn.

Thứ hai, ở góc độ dạy học trên thực tế, giáo viên có thể vẫn dạy về 3 loại tư liệu như sách giáo khoa, sau đó đặt ra những vấn đề cho học sinh thảo luận, ví dụ như:

Một bức ảnh chụp một tấm bia thì nó là tư liệu thành văn hay hiện vật?

Một bộ phim tài liệu thì nó thuộc loại tư liệu nào?

Một đoạn ghi âm mà có cả phụ đề thì nó thuộc loại tư liệu nào?

Cuộc thảo luận này sẽ đi đến đâu? Nó sẽ đi đến một kết luận là, chúng ta cần phải có những cách phân loại mới, và công việc tiếp theo của giáo viên là để cho học sinh tự chọn cách phân loại của mình. Tôi tin là nếu chúng ta khéo léo gợi mở, học sinh sẽ có những ý tưởng rất hay và thú vị.

Thứ 3, ở một khía cạnh của người làm công việc giảng dạy, hãy nghĩ xem động cơ và mục đích của việc phân loại tư liệu thành 3 loại: thành văn, hiện vật và truyền miệng là gì? Nó có tác dụng gì đối với việc học tập và nghiên cứu lịch sử? Liệu chúng ta có thể điều chỉnh nó được không? Nếu điều chỉnh thì có ảnh hưởng gì đến nhận thức của người học hay không?… Sau đó, mỗi giáo viên đều có thể đưa ra cách phân loại của riêng mình sao cho hợp lý và hướng dẫn học sinh trong quá trình dạy học.

Có thể nói, đây sẽ là một vấn đề còn nhiều tranh cãi, nó cũng sẽ khiến cho các giáo viên trực tiếp giảng dạy cảm thấy khó khăn khi trả lời học sinh. Nhất là ở bậc THCS, khi nhiều giáo viên các bộ môn khác kiêm luôn giáo viên môn Lịch sử. Hi vọng trong tương lai gần, chúng ta sẽ có sự cập nhật và bổ sung lại các thông tin trong sách giáo khoa, để học sinh và giáo viên cảm thấy dễ dàng hơn khi tiếp cận.

Tham khảo: BỘ TÀI LIỆU GIẢNG DẠY LỊCH SỬ LỚP 6 (MS_600)

Giáo viên Lịch sử

_____________________________________________________________________________________________

Bài viết trên website thuộc bản quyền của Dự án Giáo viên Lịch sử, việc sử dụng một phần hoặc toàn bộ bài viết phải được sự đồng ý chính thức của tác giả và có trích dẫn nguồn đầy đủ.

Leave A Reply

Your email address will not be published.