5 Cách để dạy học sinh về các kĩ năng tư duy Lịch sử

Quá trình dạy học Lịch sử không nên chỉ dừng lại ở việc truyền đạt các kiến thức có sẵn và học sinh học thuộc lòng, nhắc lại nó hoặc vận dụng vào một vài dạng bài tập đơn điệu. Việc dạy học Lịch sử nên trọng tâm vào việc hình thành và phát triển kỹ năng tư duy phản biện của học sinh.

0 2,423

Lớp học Lịch sử nên là một không gian mà học sinh được học cách suy nghĩ và lập luận, chứ không phải là nơi mà giáo viên chỉ tập trung vào việc nói/giảng lại các sự kiện lịch sử cho thật sinh động và học sinh học thuộc lòng. Nơi đó, học sinh không chỉ trả lời được những câu hỏi tái hiện như “Chuyện gì đã xảy ra?” mà còn phải giải thích xem, làm thế nào và bằng cách nào mà bạn biết được rằng sự kiện đó đã xảy ra?” và “Tại sao bạn tin rằng cách giải thích của bạn về sự kiện là hợp lý?” Những câu hỏi đó sẽ giúp học sinh đạt được chuẩn năng lực đầu ra được quy định trong chương trình giáo dục phổ thông mới. Nó cũng là hành trang tư duy để học sinh có thể tiếp tục nghiên cứu ở bậc đại học. Nơi mà học sinh phải học cách tiếp cận với các tư liệu gốc, xác định tác giả của tư liệu, động cơ, mục đích, góc nhìn, quan điểm của tư liệu và đưa ra các nhận định, sử dụng các trích dẫn, bằng chứng từ tư liệu để bảo vệ cho quan điểm của mình.

Dưới đây là 5 lời khuyên để giúp giáo viên có thể đưa việc hình thành năng lực tư duy lịch sử vào trong chương trình giảng dạy trong các lớp học:

  1. Sử dụng các tư liệu làm bằng chứng

Mỗi sự kiện đều có rất nhiều cách nhìn nhận và đánh giá khác nhau. Điều này phụ thuộc và quan điểm, động cơ, mục đích của nhà sử học. Ngay cả những nhận định trong sách giáo khoa cũng chỉ là quan điểm, góc nhìn của tác giả viết sách nhằm những mục đích nhất định. Chính vì vậy, thay vì chấp nhận những gì được viết sẵn trong sách, giáo viên nên sử dụng các tư liệu lịch sử đặc biệt là các tư liệu gốc và dạy học sinh cách khai thác thông tin từ tư liệu. Thông qua hoạt động này, học sinh sẽ nhận ra rằng mọi câu chuyện lịch sử, những gì được ghi chép cũng chỉ là một cách lập luận hoặc một diễn giải. Đây cũng là một kĩ năng quan trọng đối với học sinh trong thời đại internet khi các nguồn thông tin trở nên phổ biến, và đa chiều, học sinh cần được học cách tiếp cận và xử lý thông tin hiệu quả.

  1. Hướng dẫn học sinh kĩ năng đọc sâu

Đọc sâu có nghĩa là việc học sinh sử dụng các kĩ năng đọc hiểu để hiểu được những nội dung và ý tưởng và hàm ý ẩn dưới lớp vỏ ngôn ngữ. Trong môn Lịch sử, giáo viên cần cung cấp cho học sinh các tư liệu (cả tư liệu gốc và thứ cấp), sau đó dạy học sinh cách đọc sâu thông qua việc nhận ra thông điệp, động cơ, mục đích của tư liệu, chỉ ra mối quan hệ giữa người tạo ra tư liệu và những ảnh hưởng đối với nội dung của tư liệu. Kĩ năng đọc sâu trong môn Lịch sử được thể hiện qua 4 yếu tố: Xác định nguồn gốc của tư liệu, chứng thực tư liệu, đọc hiểu và phân tích bối cảnh. Với những kỹ năng này, học sinh có thể đọc, đánh giá và giải thích các tài liệu lịch sử để xác định và kiểm chứng về những sự kiện đã xảy ra trong quá khứ.

  1. Làm mẫu về quá trình tư duy

Học sinh có hình dung rõ hơn về các bước hình thành năng lực tư duy lịch sử thông qua hoạt động làm mẫu của giáo viên. Khi tiếp cận với một sự kiện lịch sử, một tư liệu, một quan điểm hay cách nhìn nhận đánh giá, giáo viên hãy chia sẻ quá trình tư duy về vấn đề đó với học sinh để học sinh có thể hình dung được cách tiếp nhận thông tin một cách có phê phán. Giả sử, khi đọc “Chiếu dời đô” của Lý Công Uẩn, giáo viên có thể tự đặt ra những câu hỏi như: Ai là người viết văn bản này? Lý Công Uẩn có thực sự là tác giả? Mục đích, động cơ của việc viết chiếu dời đô là gì? Mục đích đó chi phối khì đến nội dung, hình thức của bản chiếu dời đô. Từ đó, giáo viên đánh giá tính chính xác và độ tin cậy của Chiếu dời đô, cũng như giá trị và ý nghĩa của nó.

  1. Xây dựng bài học dựa trên các bước của quá trình nghiên cứu

Để hình thành năng lực tư duy lịch sử cho học sinh, không gì hiệu quả hơn việc cho phép học sinh được làm việc như những nhà sử học. Các thầy cô có thể đọc thêm bài viết: “Sử dụng phương pháp nghiên cứu khoa học trong dạy học lịch sử” để có thể hiểu rõ hơn các bước làm:

Bước 1: Tạo bối cảnh và kích hoạt kiến thức nền tảng về sự kiện, để học sinh làm quen và có hình dung về nội dung, vấn đề đang nghiên cứu.

Bước 2: Đưa ra một câu hỏi trọng tâm để tập trung sự chú ý của học sinh. Ví dụ, tại sao nhà Trần lại duy trì chế độ hai vua? Hay tại sao Lê Lợi lại giết hại các vị công thần sau khi lên ngôi? Hay tại sao Liên Xô lại kí hiệp ước không xâm phạm Xô – Đức?… Những câu hỏi hay nhất là những câu hỏi mở ra nhiều cách hiểu và hướng học sinh đến việc tìm kiếm và tiếp cận đa dạng các nguồn lịch sử hơn là niềm tin, thói quen hoặc các giá trị đạo đức của họ.

Bước 3: Học sinh sẽ đưa ra giả thuyết bằng cách trả lời các câu hỏi này dựa trên những kiến thức, kinh nghiệm của bản thân. Thậm chí trong một số trường hợp đó là các dự đoán chưa có cơ sở vững chắc.

Bước 4: Yêu cầu học sinh đọc các tư liệu lịch sử (do giáo viên cung cấp hoặc học sinh tự tìm kiếm). Từ đó tìm ra đáp án, câu trả lời cho các câu hỏi được đưa ra. Sau khi làm việc với tư liệu, học sinh cũng sẽ đưa ra các quan điểm hoặc cách giải thích khác nhau về câu hỏi lịch sử trọng tâm. Những tư liệu mà học sinh tiếp cận nên có sự đa dạng về thể loại. Ví dụ: một nhật ký của một người tham gia một sự kiện hoặc có thể là một hiện vật hoặc một nhận định của nhà sử học hiện đại,…

  1. Suy ngẫm về quá trình tư duy

“Con người ta, ai cũng tư duy, những ít khi con người có suy nghĩ sâu sắc và nghiêm túc về quá trình tư duy của mình”. Chính vì thế, điều quan trọng là giáo viên hãy đặt ra các câu hỏi suy ngẫm, hướng dẫn học suy tư duy về quá trình tư duy của mình. Giáo viên có thể tạo ra các cuộc thảo luận nhóm hoặc làm việc cá nhân. Những câu hỏi mà giáo viên đặt ra trong các cuộc thảo luận này sẽ có dạng như:

  • Bạn đã sử dụng những kĩ năng tư duy lịch sử nào để hoàn thành nhiệm vụ?
  • Trong quá trình tư duy, bạn có gặp khó khăn hay bị nhầm lẫn ở đâu không?
  • Điều gì khiến cho câu trả lời của bạn khác với các bạn trong lớp?
  • Những kĩ năng tư duy lịch sử này có thể được áp dụng trong những trường hợp nào khác? Trong các môn học khác và trong cuộc sống?

Trên đây là những gợi ý để đưa các kĩ năng tư duy lịch sử vào trong quá trình dạy học. Sẽ khá mất thời gian và công sức để có thể làm được điều này. Sẽ đòi hỏi thời gian và sự thay đổi khá lớn từ phía giáo viên để có thể điều chỉnh trong phương pháp giảng dạy và cách tiếp cận. Tuy nhiên, nó là điều nên làm và chắc chắn cần phải làm nếu chúng ta muốn đổi mới căn bản và toàn diện việc dạy và học lịch sử.

Nguyễn Hữu Long


Bài viết trên website thuộc bản quyền của Dự án Giáo viên Lịch sử, việc sử dụng một phần hoặc toàn bộ bài viết phải được sự đồng ý chính thức của tác giả và có trích dẫn nguồn đầy đủ.

Leave A Reply

Your email address will not be published.