Khai thác các tác phẩm nghệ thuật trong dạy học Lịch sử

Sử dụng các bức tranh và các tác phẩm nghệ thuật trong các tiết học lịch sử có thể giúp phát triển năng lực tìm tòi, và các hoạt động thảo luận của học sinh. Cũng từ đó mang đến một cách tiếp cận mới cho các bài học lịch sử

0 1,241

Trong cuốn sách “No More Telling as Teaching” tác giả Cris Tovani và Elizabeth Birr Moje cho rằng, học sinh thường không muốn phải suy nghĩ, chúng luôn mong đợi giáo viên nói, giảng các kiến thức cho sẵn và ghi chép. Tuy nhiên, cách làm đó, nếu duy trì trong một thời gian dài sẽ biến học sinh thành những cố máy ghi chép và học thuộc lòng. Hơn nữa, việc dạy học ngày nay đòi hỏi học sinh phải tích cực, chủ động tham gia vào các hoạt động thảo luận, phải tìm tòi, đặt ra các câu hỏi, đưa ra quan điểm góc nhìn của bản thân về các vấn đề lịch sử.

Việc thay đổi phương pháp giảng dạy và cách tiếp cận để khơi gợi sự hứng thú và tham gia của học sinh trong tiết học là điều không hề dễ dàng. Đặc biệt khi giáo viên vẫn phải giải quyết những yêu cầu của nội dung cụ thể trong chương trình. Tuy nhiên, sự thay đổi về phương pháp giảng dạy và những yêu cầu của chương trình không nhất thiết phải loại trừ lẫn nhau. Trong các tiết học, tôi thường yêu cầu học sinh nghiên cứu và phân tích các nguồn tư liệu gắn với từng mục trong tiến trình bài học cụ thể, để học sinh tự chủ động trong việc tìm tòi và phát hiện ra kiến thức của bài học.

Sử dụng các tác phẩm nghệ thuật để phát triển tư duy phản biện

Các tác phẩm nghệ thuật có ý nghĩa rất lớn trong quá trình dạy học lịch sử. Mỗi tác phẩm đều phản ánh cách nhìn nhận, đánh giá, giải thích của nghệ sĩ về thế giới mà họ đang sống. Tương tự như vậy, học sinh cũng sẽ có những cách giải thích, tiếp cận khác nhau về các tác phẩm nghệ thuật dựa trên kiến thức nền tảng, kỹ năng quan sát và sở thích của chúng.

Khi khai thác các tác phẩm nghệ thuật trong dạy học lịch sử, có ba câu hỏi mà giáo viên luôn phải đặt ra để dẫn dắt các cuộc thảo luận và giúp học sinh tập trung khi quan sát tác phẩm nghệ thuật trong lớp học:

  1. Điều gì đang xảy ra trong bức tranh này?
  2. Tại sao bạn lại mô tà bức tranh như vậy?
  3. Thông điệp hoặc những điều ẩn sau bức tranh này là gì?

Tuy nhiên, khi bắt đầu một bài học xoay quanh một tác phẩm nghệ thuật, không nhất thiết lúc nào bạn cũng phải bắt đầu bằng các câu hỏi dó. Bạn có thể cho học sinh quan sát tác phẩm một cách độc lập, cho học sinh có thời gian để suy nghĩ và viết ra những ý tưởng, quan điểm hoặc bất cứ điều gì xuất hiện trong não của học sinh khi quan sát bức tranh. Tôi cung thường làm việc này với học sinh, mặc dù những bức tranh này có thể quen thuộc với tôi, nhưng mỗi lần quan sát, tôi lại nhận ra được một điều gì đó mới mẻ. Hoạt động này giúp học sinh kích hoạt quá trình suy nghĩ, làm nảy sinh những ý tưởng mới. Nó sẽ là khởi đầu cho hoạt động trao đổi và thảo luận ở phần sau.

Ví dụ: khi dạy bài Cuộc khai thác thuộc địa của người Pháp, khi học sinh quan sát bức hình nữ thần tự do trên cuốn bìa tạp chí. Học sinh đã đặt ra rất nhiều câu hỏi thú vị: Những từ trên tấm khiên có nghĩa là gì? Tại sao nữ thần tự do lại mặc áo giáp? Tại sao nữ thần tự do lại cầm kiếm và khiên? Tại sao nữ thần tự do lại đi thuyền? Tại sao nữ thần tự do lại đi từ biển vào? Tại sao những người dân xung quanh lại tỏ ra rất ngưỡng mộ và tôn kính nữ thần?… Học sinh được tự do viết ra những suy nghĩ của mình bằng cách sử dụng kỹ thuật viết tự do và sau đó chia sẻ, thảo luận cùng cả lớp.

Ở phần “hình thành kiến thức”, nội dung chính của bài, tôi sẽ triển khai dựa trên những ý tưởng mà học sinh đưa ra, những câu hỏi mà học sinh còn thắc mắc. Chính nội dung bài học sẽ là câu trả lời cho những điều mà học sinh đặt ra đầu giờ học. Bằng cách này, học sinh sẽ tiếp nhận nội dung bài học một cách có mục đích hơn, các kiến thức cũng được vận dụng để giải quyết các vấn đề đặt ra từ đó nó trở nên sâu sắc và có ý nghĩa hơn đối với học sinh.

Trong một bài học khác cùng bài, tôi sử dụng nhiều nguồn tài liệu khác nhau ngoài sách giáo khoa để giúp học sinh rút ra kết luận về lý do vì sao chính phủ Anh lại sử dụng các tranh tuyên truyền cổ động để kêu gọi thanh niên tham gia quân đội trong chiến tranh thế giới thứ Nhất (1914 – 1918). Tại sao trong bức tranh lại có hình ảnh người cha và con đang chơi trò chơi? Tại sao người con lại hỏi cha mình như vậy? Câu hỏi của người con tác động gì đến nhận thức của người cha? Bức tranh này sẽ tác động đến suy nghĩ của những thanh niên vào thời điểm đó như thế nào? Nếu họ không tham gia chiến tranh, không nhập ngũ, họ sẽ cảm thấy ra sao?…

Trong bài học này, tôi chia lớp học thành các góc, mỗi góc sẽ có một tranh tuyên truyền cổ động, gắn với một lý do giải thích vì sao thanh niên cần phải nhập ngũ. Đó có thể là bức tranh về tội ác của quân Đức, cũng có khi là sự tự hào dân tộc, có thể đó là mong muốn được trở thành anh hùng, và có khi đó là sự xấu hổ với con cái của mình sau này,….

Ở phần cuối của cả hai bài học này, tôi yêu cầu học sinh đưa ra các câu trả lời cho các vấn đề đã đặt ra và sử dụng bằng chứng là các kiến thức đã học trong bài học. Nhưng quan trọng hơn hết là một khoảnh khắc suy ngẫm để tự hỏi xem bản thân mình đã học được những kĩ năng mới nào? Những điều còn thiếu sót/khó khăn trong quá trình tư duy? Cách để áp dụng các kĩ năng này cho các môn học khác,…

Nghệ sĩ Frida Kahlo đã từng nói: “Tôi vẽ hoa để những bông hoa không bao giờ héo tàn”. Những tác phẩm nghệ thuật cho phép học sinh tiếp cận sự kiện lịch sử một cách trực quan, sinh động. Ngay cả khi các sự kiện đó đã xảy ra rất lâu và có vẻ xa lạ hoặc không liên quan với trải nghiệm của học sinh. Hãy nghĩ về một trong những bài học sắp tới của bạn và cách bạn sẽ sử dụng một tác phẩm nghệ thuật nào đó để làm nội dung trung tâm của bài học.Bạn sẽ ngạc nhiên trước những câu hỏi mà học sinh của bạn đặt ra và sự sâu sắc trong tư duy của chúng.

Giáo viên lịch sử

_____________________________________________________________________________________________

Bài viết trên website thuộc bản quyền của Dự án Giáo viên Lịch sử, việc sử dụng một phần hoặc toàn bộ bài viết phải được sự đồng ý chính thức của tác giả và có trích dẫn nguồn đầy đủ.

Leave A Reply

Your email address will not be published.