VIỆC SỬ DỤNG CÁC TÌNH HUỐNG TIẾN THOÁI LƯỠNG NAN (DILEMMA) TRONG DẠY HỌC LỊCH SỬ

Trong dạy học Lịch sử, các tình huống tiến thoái lưỡng nan như vậy, rất có giá trị đối với việc phát triển năng lực tư duy, khả năng nhận thức của học sinh đồng thời giúp học sinh hình thành kĩ năng giải quyết vấn đề và thấy được mối liên hệ với cuộc sống hiện tại.

0 1,303

Lịch sử chính là cuộc sống của con người, trong quá khứ, cũng như cuộc sống hiện đại, con người phải đối mặt với các tình huống khó xử và buộc phải lựa chọn, phải ra quyết định. Việc lựa chọn hành xử như thế nào sẽ phản ánh hoàn cảnh sống, thế giới quan cũng như các giá trị của một con người.

Trong dạy học Lịch sử, các tình huống tiến thoái lưỡng nan như vậy, rất có giá trị đối với việc phát triển năng lực tư duy, khả năng nhận thức của học sinh đồng thời giúp học sinh hình thành kĩ năng giải quyết vấn đề và thấy được mối liên hệ với cuộc sống hiện tại.

Trong phần dưới đây, tôi sẽ không nói về cách sử dụng tình huống này như thế nào? Các bước làm cụ thể ra sao? mà chỉ đưa ra 3 ví dụ dành cho học sinh lớp 8 khi học sinh học về Văn hóa Phục hưng.

Ví dụ 1: Khi nói về những tiến bộ trong lĩnh vực Y học

“Bạn là một người sống trong thời kỳ Phục hưng và bạn đã bị đứt tay rất sâu. Gia đình bạn đã sử dụng các biện pháp tại nhà để điều trị vết thương, nhưng không thành công. Có tin đồn về một bác sĩ ở một thị trấn gần đó, người đã học tại Đại học Padua. Bạn sẽ theo các phương pháp truyền thống hay bạn sẽ thử nhờ sự chữa trị của bác sĩ? Những yếu tố nào sẽ ảnh hưởng đến quyết định của bạn? Thế giới quan của bạn ảnh hưởng đến quyết định của bạn ở mức độ nào?”

– Ví dụ 2: Khi nói về vai trò của sự truyền bá tri thức
Việc in ấn cho phép người dân có trình độ học vấn cao hơn. Những người được giáo dục này thường tạo ra sự tiến bộ và giàu có hơn trong xã hội. Tuy nhiên, những công dân có trình độ học vấn thường là những người có tư tưởng phản biện và có thể thách thức chính quyền. Bạn sẽ làm gì nếu bạn là một người cai trị trong thời kỳ Phục hưng? Bạn sẽ khuyến khích hay không khuyến khích việc thành lập các nhà xuất bản ở nơi bạn sống? Giải thích?

– Ví dụ 3: Khi nói về những hành động của Giáo hội
Bạn là một học giả trong triều đình của một quý tộc có quan hệ mật thiết với Giáo hội. Bạn vừa khám phá một điều mà quý tộc (nhà lãnh đạo chính trị) hoặc Giáo hội (lãnh đạo tôn giáo) không muốn công khai nhưng điều này tại có tác động tích cực đến rất nhiều người. Bạn có dám chia sẻ kiến thức của mình hay giữ bí mật để tránh đối đầu với các nhà lãnh đạo? Hậu quả của hành động của bạn là gì?

=> Hãy làm việc theo cặp đôi để xây dựng kịch bản cho cuộc phỏng vấn với một nhà khoa học thời Phục hưng đang đối mặt với tình huống khó xử này. Đưa ra câu trả lời của nhà khoa học. Trình bày kịch bản trước lớp.

– Ví dụ 4: Về những tiến bộ khoa học
Việc mổ xẻ là một thực tế gây tranh cãi cho đến thời kỳ Phục hưng. Giáo hội không khuyến khích điều này vì các tín đồ Ki-tô giáo thời Trung cổ tin vào sự sống lại của cơ thể. Ngày nay vẫn còn nhiều cuộc tranh luận về y học và khoa học. Hai ví dụ là nghiên cứu tế bào gốc và các liệu pháp thay thế các bộ phận trên cơ thể người.

Thực phẩm biến đổi gen (GM) là một vấn đề tương tự như vậy. Các hình thức biến đổi gen tự nhiên đã được thực hành bởi các dân tộc bản địa trong nhiều thế kỷ. Ví dụ, nông dân ở dãy núi Andes (dọc theo bờ biển phía tây Nam Mỹ) đã phát triển hơn 3000 loại khoai tây. Họ đã chuẩn bị cho mọi điều kiện đất đai và khí hậu mà họ gặp phải.

Sự đa dạng sinh học này dẫn đến an ninh trong nguồn cung cấp lương thực vì bệnh bạc lá không thể ảnh hưởng đến nhiều hơn một vài chủng khoai tây cùng một lúc. Tuy nhiên, ngày nay, việc chỉnh sửa gen thường bao gồm việc đưa một gen từ sinh vật này sang sinh vật khác. Ý tưởng là tạo ra những cây có đặc điểm mong muốn. Ví dụ, một gen từ cá đã được đưa vào cây cà chua để tạo ra một loại cà chua có thể chịu được nhiệt độ lạnh hơn.

Rất nhiều quan điểm chống lại việc biến đổi gen của thực vật. Họ cho rằng, điều này sẽ ảnh hưởng đến sự an toàn đối với sức khỏe con người. Họ cho rằng chưa có đủ nghiên cứu dài hạn về “Loại giả thực phẩm” này.

Những người ủng hộ việc biến đổi gen tranh luận rằng chúng sẽ cho phép chúng ta sản xuất đủ lương thực để chấm dứt nạn đói trên thế giới và loại bỏ việc sử dụng thuốc diệt sâu bệnh. Dù lập luận là gì đi nữa thì phần lớn thực phẩm chúng ta ăn hàng ngày đều có chứa các thành phần biến đổi gen.

=> Bạn nghĩ tại sao trong một số trường hợp, con người lại cảm thấy khó chấp nhận những ý tưởng mới trong khoa học và y học?

Hãy nhớ rằng, mục đích của việc học lịch sử không phải là để ghi nhớ thật nhiều sự kiện mà đó là quá trình người học được tư duy, được làm việc với sử liệu, được nhập thân vào các nhân vật và bối cảnh lịch sử để đưa ra các quyết định – và cũng từ đó mà có được những bài học cho cuộc sống hiện tại.

Giáo viên Lịch sử

(Bài viết trên website thuộc bản quyền của Dự án Giáo viên Lịch sử, việc sử dụng một phần hoặc toàn bộ bài viết phải được sự đồng ý chính thức của tác giả và có trích dẫn nguồn đầy đủ.)

Leave A Reply

Your email address will not be published.