Ấn Độ thuộc Châu Phi hay châu Á?

Nhưng ở đây, tôi không muốn bàn luận về đề thi, cũng không muốn nói đến về kiến thức địa lý của học sinh. Vấn đề tôi muốn đề cập đó là về phương pháp giảng dạy và việc tích hợp các kiến thức địa lý trong môn Lịch sử.

0 2,204
Có lẽ đó là một trong những từ khóa khá phổ biến được tìm kiếm trên google trong hai ngày qua, không chỉ nhiều bạn học sinh mà cả một số người lớn cũng hơi “giật mình” vì kiến thức địa lý của mình. Nhiều người chê trách rằng, em học sinh đó đã không biết được những kiến thức quá cơ bản. Có người thì cho rằng, đó là điều bình thường vì người Ấn Độ cũng dễ nhầm lẫn với người châu Phi.
Nhưng ở đây, tôi không muốn bàn luận về đề thi, cũng không muốn nói đến về kiến thức địa lý của học sinh. Vấn đề tôi muốn đề cập đó là về phương pháp giảng dạy và việc tích hợp các kiến thức địa lý trong môn Lịch sử.
Rõ ràng là, trong quá trình dạy về Ấn Độ, hẳn thầy cô nào cũng nói với học sinh rằng “Ấn Độ là một quốc gia nằm ở khu vực Nam Á”, và học sinh cũng học thuộc như cháo chảy rằng “Ấn Độ là một quốc gia Nam Á”. Nhưng đó chỉ là phần vỏ ngoài của khái niệm, khi chúng ta chỉ hoàn toàn tư duy bằng vỏ ngoài mà chưa nắm được bản chất bên trong. Học sinh chưa hề có biểu tượng địa lý về khu vực này bao gồm, hình dạng lãnh thổ trên bản đồ, những dạng địa hình chủ yếu, vị trí của dãy núi Himalaya, sông Ấn, sông Hằng, cao nguyên Đê-can,… Ngay cả việc phân tích tác động của điều kiện tự nhiên đối với sự hình thành nền văn minh Ấn Độ cổ đại cũng được dạy một cách rất giản đơn thông qua việc giáo viên đặt câu hỏi. Học sinh dựa vào “đường dẫn” trong sách giáo khoa để trả lời câu hỏi của viên. Sau đó giáo viên giảng giải, học sinh sẽ ghi chép những kiến thức cơ bản và rồi học thuộc để “trả bài” cho giáo viên.
Điều này diễn ra khá phổ biến trong quá trình dạy học Lịch sử. Phổ biến đến độ nó trở thành điều bình thường như cân đường. Nó dẫn đến hậu quả là học sinh sau khi học xong không có khả năng vận dụng kiến thức trong các tình huống khác (ví dụ như trong đề thi vừa rồi). Học sinh cũng không có khả năng sử dụng bản đồ địa lý để chỉ ra những tác động của các yếu tố về vị trí địa lý, địa hình, điều kiện tự nhiên đối với cuộc sống của con người trong lịch sử.
Tôi vẫn nhớ trong bài học về Lịch sử Văn minh năm thứ 4 ở bậc Đại học, khi chúng tôi đang chém gió say sưa về “Ai Cập là tặng phẩm của sông Nin”, là “Sông Nin biến một đồng cát bụi thành một vườn hoa”… thì bỗng giáo viên gọi tôi lên, cầm que chỉ và yêu cầu tôi chỉ xem sông Nin nằm ở chỗ nào trên bản đồ. Tiếp theo, cô yêu cầu chúng tôi chỉ, sông Nin chảy từ đâu đến đâu. Một cách ngẫu nhiên, tôi đã chỉ bản đồ sông Nin chảy từ Bắc xuống Nam, từ trên xuống dưới. Xong rồi cô nói: TỐT!!! Vậy nước biển sẽ đổ vào dòng sông Nin có đúng không? Vậy thì chắc là nước sông Nin hẳn sẽ rất mặn rồi?… Khi đó, tôi mới nhận ra những gì mà tôi học chỉ rất “hời hợt, qua loa, đại khái, loáng thoáng” và những gì tôi nói, viết từ trước đến nay chỉ như một cái máy, một con vẹt.
Quay trở lại với vấn đề dạy học Lịch sử, vậy thì chúng ta sẽ khắc phục vấn đề này như thế nào?
Không còn cách nào khác, giáo viên phải thực sự tìm hiểu và có kiến thức về địa lý của quốc gia mà mình đang dạy. Sau đó thiết kế thành các phiếu học tập, tách biệt thành từng đặc điểm địa lý nhỏ, riêng lẻ đi liền hệ thống câu hỏi dẫn dắt cho học sinh. Trong một số trường hợp phải sử dụng các hình ảnh minh họa, video thực tế để học sinh không chỉ nắm được khải niệm mà còn có được biểu tượng địa lý trong đầu. Điều này đòi hỏi sự chi tiết và tỉ mỉ hơn rất nhiều so với việc yêu cầu học sinh đọc sách giáo khoa và trả lời. Cùng với đó, học sinh cũng phải sử dụng bản đồ địa lý một cách thực sự, học cách đọc các kí hiệu địa lý, khai thác thông tin từ bản đồ, và diễn đạt các thông tin đó, cuối cùng là đưa ra mối liên hệ giữa điều kiện địa lý với cuộc sống của con người.
Tôi xin được đưa ra một ví dụ về một phiếu học tập như vậy:
Chỉ bằng cách đó, chúng ta mới có thể thay đổi cách dạy và học về những nội dung địa lý trong môn lịch sử của mình. Và nếu như trong bài học nào, học sinh cũng được học một cách chi tiết và tỉ mỉ như vậy, chắc chắn học sinh sẽ được trang bị những năng lực địa lý cần thiết để tránh được những sai lầm không đáng có như vậy.
Giáo viên Lịch sử

Xem thêm:

BỘ TÀI LIỆU GIẢNG DẠY LỊCH SỬ LỚP 6 

 


Bài viết trên website thuộc bản quyền của Dự án Giáo viên Lịch sử, việc sử dụng một phần hoặc toàn bộ bài viết phải được sự đồng ý chính thức của tác giả và có trích dẫn nguồn đầy đủ.

Leave A Reply

Your email address will not be published.