DẠY HỌC SINH VỀ NGUYÊN NHÂN VÀ HỆ QUẢ CỦA SỰ KIỆN LỊCH SỬ

Việc xác định nguyên nhân và hệ quả của sự kiện là một trong những năng lực đặc thù của bộ môn Lịch sử. Trong quá trình dạy học, chúng ta cần giúp học sinh hình thành năng lực này, từ đó có thể áp dụng vào cuộc sống hàng ngày của các em.

0 811

Việc xác định nguyên nhân và hệ quả của sự kiện là một trong những năng lực đặc thù của bộ môn Lịch sử. Trong quá trình dạy học, chúng ta cần giúp học sinh hình thành năng lực này, từ đó có thể áp dụng vào cuộc sống hàng ngày của các em.

Tuy nhiên, trong quá trình dạy học, giáo viên sẽ gặp phải một vấn đề. Đó là, sách giáo khoa thường viết sẵn thành các mục nguyên nhân, diễn biết, kết quả của sự kiện. Hoặc thường thì cũng cố tình viết nguyên nhân, ý nghĩa của sự kiện nằm ở các đoạn tách biệt với những dấu hiệu nhận biết riêng (xuống dòng, in đậm, in nghiêng,…).

Điều này đưa đến một hệ quả đó là, khi học sinh đọc sách giáo khoa, các em dễ dàng nhận ra đâu là nguyên nhân và đâu là hệ quả của sự kiện. Từ đó, học sinh sẽ đọc lại sách giáo khoa một cách hết sức trôi chảy mà không có hình dung về tính phức tạp của các nguyên nhân và hệ quả cũng như mối quan hệ qua lại giữa hai yếu tố này trong cùng một sự kiện.

Việc viết nguyên nhân và sự kiện như vậy, còn đưa đến việc giới hạn nhận thức học sinh lại trong những gì sách giáo khoa viết, học sinh sẽ ghi chép và học thuộc theo những gì được đề cập trong sách và giảm khả năng tư duy độc lập về những vấn đề như: đâu là nguyên nhân sâu xa? Đâu là nguyên nhân trực tiếp? Đâu là ngòi nổ của sự kiện? Đâu là nguyên nhân quan trọng nhất? Có khi nào hệ quả lại chính là nguyên nhân của sự kiện hay không?

Vậy chúng ta sẽ khắc phụ điều này như thế nào?

Giáo viên nên hạn chế sử dụng sách giáo khoa, trong một số trường hợp nên yêu cầu học sinh cất sách giáo khoa vào ngăn bàn, để học sinh không bị chi phối bởi cách viết nguyên nhân và hệ quả trong sách. Đồng thời học sinh không dùng sách để trả lời những câu hỏi của giáo viên. Buộc học sinh phải tư duy và sử dụng các năng lực nhận thức của bản thân.

Giáo viên nên chuẩn bị một tài liệu học tập, được in ra giấy thành các phiếu và phát cho học sinh. Trong bài học này, giáo viên sẽ chuẩn bị mẫu phiếu trong đó nguyên nhân và hệ quả của sự kiện được trộn lẫn vào nhau. Học sinh sẽ phải phân biệt và nhận dạng đâu là nguyên nhân và đâu là hệ quả, lý giải vì sao mình lại phân biệt như vậy?

Sau đó, giáo viên sẽ hướng dẫn học sinh định nghĩa các khái niệm về kinh tế, chính trị, tôn giáo… học sinh sẽ phân biệt các nguyên nhân và hệ quả dựa trên các lĩnh vực đó.

Sau một khoảng thời gian làm việc độc lập, tương tác với các tư liệu trong phiếu học tập, học sinh sẽ trao đổi thảo luận cả lớp/nhóm/cặp đôi về các nguyên nhân về hệ quả của sự kiện. Các câu hỏi thảo luận giáo viên có thể đặt ra cho học sinh:

– Theo em, nguyên nhân của sự kiện là gì? Hệ quả của sự kiện là gì?

– Có các loại nguyên nhân và hệ quả nào?

– Làm thế nào em có thể xác định được nguyên nhân và hệ quả của sự kiện? Có khi nào em xác định sai hoặc nhầm lẫn không?

– Có khi nào hệ quả lại chính là nguyên nhân dẫn đến sự kiện hay không? Ví dụ?

– Em có thể áp dụng kĩ năng xác định nguyên nhân và hệ quả vào thực tiễn cuộc sống như thế nào?

Tôi tin rằng, nếu giáo viên làm hoạt động này một cách thường xuyên, chắc chắn sẽ giúp hình thành ở học sinh được một năng lực vô cùng quan trọng trong dạy học Lịch sử – năng lực phân tích nguyên nhân và hệ quả của sự kiện. Hãy nhớ rằng, chúng ta đang trong quá trình dạy học phát triển năng lực – mục đích dạy học của chúng ta không phải là nhồi nhét kiến thức và sự kiện. Cái đích mà chúng ta muốn hướng đến là các năng lực tư duy lịch sử ở học sinh.

(Giáo viên Lịch sử)

_____________________________________________________________________________________________

Bài viết trên website thuộc bản quyền của Dự án Giáo viên Lịch sử, việc sử dụng một phần hoặc toàn bộ bài viết phải được sự đồng ý chính thức của tác giả và có trích dẫn nguồn đầy đủ.

Leave A Reply

Your email address will not be published.