Ý tưởng dạy học Lịch sử: cho một – nhận một

Hoạt động này nhằm kích thích tư duy và quá trình làm việc tích cực của học sinh khi tìm hiểu về một vấn đề lịch sử hoặc tìm kiếm bằng chứng cho một bài luận thể hiện quan điểm. Trong hoạt động này, học sinh chọn một vị trí, góc nhìn để trả lời câu hỏi sau đó chia sẻ với một đối tác khác theo một trình tự nhất định. Bằng cách đó, học sinh có thể kiểm tra, sàng lọc và củng cố ý tưởng của mình đồng thời biết cách tiếp thu, lắng nghe các ý tưởng của người khác.

0 1,946

Hoạt động này nhằm kích thích tư duy và quá trình làm việc tích cực của học sinh khi tìm hiểu về một vấn đề lịch sử hoặc tìm kiếm bằng chứng cho một bài luận thể hiện quan điểm. Trong hoạt động này, học sinh chọn một vị trí, góc nhìn để trả lời câu hỏi sau đó chia sẻ với một đối tác khác theo một trình tự nhất định. Bằng cách đó, học sinh có thể kiểm tra, sàng lọc và củng cố ý tưởng của mình đồng thời biết cách tiếp thu, lắng nghe các ý tưởng ​​của người khác. Hoạt động này giúp học sinh rèn luyện kĩ năng lắng nghe tích cực, đồng thời có cách nhìn đa chiều về một vấn đề lịch sử.

Các bước thực hiện

  1. Chuẩn bị

Giáo viên chuẩn bị một vấn đề hoặc một câu hỏi lớn để học sinh thảo luận. Vấn đề đó phải cho phép học sinh đưa ra nhiều quan điểm, góc nhìn, cách tiếp cận và những câu trả lời khác nhau.

Yêu cầu học sinh lấy một tờ giấy và chia thành hai cột dọc. Một cột là “Cho một” và một cột là “nhận một”.

  1. Học sinh trả lời câu hỏi

Yêu cầu học sinh chọn một góc nhìn để trả lời câu hỏi chẳng hạn như “Bạn có đồng ý rằng luật pháp là yếu tố quan trọng nhất để khắc phục tình trạng phân biệt đối xử không?”. Học sinh chọn góc nhìn có thể từ một nhà lập pháp, hoặc nạn nhân của nạn phân biệt đối xử hoặc một người bình thường trong xã hội… sau đó viết ý tưởng của mình vào cột bên trái của tờ giấy giấy. Học sinh không cần thiết phải viết các câu hoàn chỉnh mà có thể gạch đầu dòng những ý chính.

  1. Cho một, Nhận một

Yêu cầu học sinh di chuyển xung quanh lớp và chọn một đối tác. Học sinh sẽ (cho) chia sẻ ý tưởng của mình cho đối tác và “nhận” một ý tưởng từ đối tác và viết vào cột bên phải. Ví dụ: Học sinh chia sẻ câu trả lời của mình “Thái Hậu Dương Vân Nga, khoác áo long bào cho Lê Hoàn là vì bà là người yêu nước” cho đối tác và “nhận” một câu trả lời khác “Dương Vân Nga làm như vậy là vì có tình ý riêng với Lê Hoàn”… Cứ như vậy, học sinh liên tục di chuyển, chọn đối tác, cho và nhận. Các câu trả lời “nhận được” sẽ được ghi vào cột bên phải.

  1. Vai trò của giáo viên

Khi học sinh chia sẻ ý kiến ​​của mình, giáo viên cũng nên ghi chú lại. Đặc biệt chú ý đến những chi tiết này:

Mô hình hiểu biết sâu sắc về nhân vật, sự kiện, những bằng chứng thuyết phục,…

Các ý kiến nhầm lẫn, sự không chính xác, các mối liên hệ hoặc suy nghĩ phiến diện cho thấy học sinh đang hiện đại hóa lịch sử

Mục đích là để học sinh chia sẻ bằng chứng dựa trên tư liệu một cách hiệu quả và chính xác. Giáo viên có thể dựa vào các tiêu chí sau:

  • Độ chính xác của các thông tin và diễn giải: đưa ra bằng chứng chính xác và cách giải thích hợp lý
  • Tính thuyết phục của bằng chứng: bao gồm bằng chứng có liên quan và thuyết phục.
  • Trích dẫn nguồn của tư liệu, đưa ra tên tư liệu và độ tin cậy và / hoặc tính chủ quan của nó
  • Kiểm chứng bằng chứng: nhận biết các tài liệu khác nhau hỗ trợ cho nhau như thế nào khi chứng minh cho một quan điểm
  • Bối cảnh lịch sử: đặt bằng chứng vào bối cảnh lịch sử ra đời của nó

Khi học sinh trả lời hoặc chia sẻ với đốitác, giáo viên có thể đưa ra phản hồi. Khẳng định những hiểu biết của họ. Nhấn mạnh những lập luận chặt chẽ và lập luận dựa trên tư liệu. Chọn một hoặc hai quan niệm sai lầm về nội dung cần giải quyết. Chỉ ra các lĩnh vực mà học sinh cần điều chỉnh khi kết nối quá khứ và hiện tại.

  1. Suy ngẫm

Sau khi thực hiện hoạt động này, giáo viên có thể tổ chức một cuộc thảo luận trên lớp và / hoặc cho học sinh suy ngẫm cá nhân, viết nhật ký học tập. Các câu hỏi gợi ý cho học sinh trong quá trình suy ngẫm:

  • Làm thế nào bạn có thể cân bằng các trả lời của mình và đối tác?
  • Dạn đã học được những kiến thức và kĩ năng mới nào trong hoạt động này?
  • Những điều mà bạn còn muốn biết thêm là gì?
  • Bạn có thể áp dụng hoạt động này trong những trường hợp nào khác?

(Giáo viên Lịch sử)


Bài viết trên website thuộc bản quyền của Dự án Giáo viên Lịch sử, việc sử dụng một phần hoặc toàn bộ bài viết phải được sự đồng ý chính thức của tác giả và có trích dẫn nguồn đầy đủ.

Leave A Reply

Your email address will not be published.