10 Ý tưởng giao bài tập về nhà cho học sinh trong dạy học Lịch sử
Bài tập về nhà là một phần không thể thiếu trong quá trình dạy học, nó giúp học sinh ôn tập, củng cố và vận dụng những kiến thức đã học trên lớp. Làm thế nào để có thể mang những ý tưởng mới và sáng tạo trong cách giao bài tập về nhà cho học sinh? Hãy tham khảo bài viết dưới đây để có được những kinh nghiệm hữu ích trong quá trình dạy học Lịch sử.
|
Blog/group facebook
Thay vì bắt học sinh làm bài tập vào trong vở, tại sao chúng ta không áp dụng một hình thức mới để học sinh được tương tác nhiều hơn. Giáo viên có thể nêu một câu hỏi, nhiệm vụ hoặc một vấn đề trên blog hoặc group facebook của lớp học. Học sinh sẽ làm bài tập và tương tác trực tiếp trên đó. Giáo viên có thể đánh giá trực tiếp bằng cách nhận xét câu trả lời của học sinh hoặc cho học sinh nhận xét, phản hồi về câu trả lời của nhau. Hoạt động này có ý nghĩa như một ‘nhật ký học tập’ và cũng là công cụ ôn tập nếu học sinh được hướng dẫn rõ ràng và làm việc một cách nghiêm túc. |
|
Áp dụng các kĩ năng đọc và viết Trong môn Lịch sử, chúng ta thường yêu cầu học sinh ghi bài và về nhà học thuộc. Cách làm này dường như không hiệu quả, vì ngay sau đó, học sinh sẽ quên hết những gì đã học. Hãy thử áp dụng những kĩ năng mới để làm cho việc học trở nên sâu sắc hơn. Giáo viên có thể yêu cầu học sinh đọc một tác phẩm văn học hoặc một bài báo có liên quan đến sự kiện sau đó ghi lại tóm tắt theo mẫu mà giáo viên yêu cầu. Buổi học sau, giáo viên có thể tổ chức một hội thảo nhỏ về những gì mà học sinh đã đọc Ngoài ra, giáo viên có thể phát triển kĩ năng viết của học sinh bằng việc, yêu cầu học sinh đóng vai nhân vật, kể lại nội dung bài học dưới các góc nhìn khác nhau. Học sinh cũng có thể viết luận thể hiện quan điểm về một vấn đề nào đó (ví dụ, viết bài luận khoảng 250 từ thể hiện quan điểm của em về các chính sách cải cách của Hồ Quý Ly) Điều quan trọng cần nhớ khi giáo viên giao các nhiệm vụ này đó là, luôn phải có hướng dẫn chi tiết và cụ thể các bước làm cũng như yêu cầu đặt ra. Nếu không học sinh sẽ khó có thể hoàn thành một cách chất lượng. |
|
Học sinh tự giao bài tập về nhà Hãy dành một khoảng thời gian cuối giờ học, hãy hỏi học sinh về những ý tưởng cho bài tập về nhà của buổi tới. Sau khi học sinh đã đưa ra các ý tưởng khác nhau, giáo viên sẽ xác nhận một danh sách những bài tập về nhà phù hợp. Học sinh sẽ được lựa chọn bài tập về nhà mà chúng thích và thực hiện nó. Cách làm này không những giúp cho học sinh cảm giác được trao quyền và lựa chọn trong lớp học mà còn tạo cơ hội để học sinh thực hành nội dung bài học theo những cách khác nhau. |
|
Phỏng vấn người thân Rất nhiều các nội dung là các vấn đề lịch sử hiện đại có liên quan đến những trải nghiệm của phụ huynh. Hãy giao bài tập về nhà bằng cahcs dạy học sinh cách đưa ra các câu hỏi phỏng vấn và phỏng vấn ông bà, cha mẹ của mình về một vấn đề lịch sử hoặc về những trải nghiệm của họ trong giai đoạn lịch sử đó. Ví dụ, giáo viên có thể cho học sinh phỏng vấn ông bà hoặc cha mẹ của mình về cuộc sống gia đình trong thời kỳ bao cấp hoặc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ,… Điều quan trọng giáo viên cần lưu ý, đó là học sinh phải có hoạt động suy ngẫm và đưa ra các suy luận của cá nhân từ kết quả thu được từ cuộc phỏng vấn. |
|
Làm một dự án nghiên cứu Bạn có thấy, việc cho học sinh ghi chép rồi trả bài cho giáo viên trong tiết kiểm tra bài cũ là một việc không có nhiều giá trị? Nếu vậy tại sao bạn không thử cho học sinh được thử sức với những dự án nghiên cứu dài hơi hơn trong các bài tập về nhà. Vấn đề nghiên cứu có thể là nội dung của bài học (nhưng được mở rộng hơn) hoặc những nội dung/chủ đề không có trong bài học. Học sinh sẽ phải học cách tìm kiếm tư liệu, phân tích các thông tin, trình bày kết quả nghiên cứu và đưa ra các kết luận của bản thân mình. Tôi đã từng cho học sinh được phép làm dự án về Hà Nội thời Pháp thuộc trong một học kỳ, sau mỗi buổi học, học sinh đều có những nhiệm vụ nghiên cứu cụ thể và đến cuối năm học, sản phẩm mà tôi thu được từ học sinh khá đa dạng, bao gồm cả bài viết, mô hình, hanbook, tạp chí,… chúng tôi đã có một buổi hội thảo trong đó có sự tham gia của ban giám hiệu và các thầy cô khác để thuyết trình về những gì mà học sinh đã làm trong dự án của chúng. |
|
Menu bài tập về nhà Mỗi khi bạn đến một nhà hàng, việc đầu tiên của bạn là xem và lựa chọn từ menu (thực đơn). Hãy tưởng tượng, bạn sẽ cảm thấy thế nào nếu như khi bạn đến một quán ăn và chủ quán bước ra và nói: hôm nay chị chỉ được ăn duy nhất món rau luộc với cơm”?. Chính vì thế, hãy mang đến cho học sinh cảm giác được lựa chọn bằng cách thiết kế một menu bài tập về nhà đa dạng, học sinh sẽ được chọn món – bài tập mà chúng cảm thấy hứng thú và phù hợp. |
|
Bài tập về nhà liên quan đến kĩ năng nghe và nói
Thử yêu cầu học sinh viết một bài diễn văn phát biểu, bài thơ hoặc bài thuyết trình về chủ đề của bài học trước. Ví dụ, học sinh có thể đóng vai Lê Lợi viết một bài hịch kêu gọi mọi người tham gia cuộc khởi nghĩa Lam Sơn hay viết một bản báo cáo về tình hình đất nước sau cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông,… Học sinh có thể quay lại dưới dạng video hoặc có thể trình bày trực tiếp trước các bạn mình. Trong tiết học học sau, giáo viên có thể cho học sinh trình bày và đánh giá bài tập về nhà của nhau trong nhóm. |
|
Viết thư, viết email Viết thư và email là những hoạt động rất phổ biến trong cuộc sống của con người (cả quá khứ và hiện tại). Giáo viên hãy dạy cho học sinh nội dung, cấu trúc, mục đích và thể thức của một bức thư viết tay và một email điện tử. Sau đó yêu cầu học sinh áp dụng hình thức này để giao bài tập về nhà cho học sinh. Ví dụ, hãy đóng vai một người lính trong CTTG 1, viết một bức thư gửi cho người yêu của mình, kể về cuộc sống của người lính và diễn biến của cuộc chiến. Hoặc, hãy viết một email gửi đến tổng thống Mỹ, nói về những hậu quả của cuộc chiến tranh lạnh và những nguy cơ đối với nước Mỹ… |
|
Tập san môn lịch sử Hãy dạy học sinh cách nghiên cứu một vấn đề bằng cách khai thác và sử dụng các nguồn tư liệu khác nhau khi làm bài tập về nhà. Sau đó học cách công bố kết quả nghiên cứu của mình dưới dạng một tập san hoặc tạp chí. Giáo viên có thể hướng dẫn học sinh những yêu cầu cơ bản của việc biên soạn và xuất bản một tập san lịch sử. Sản phẩm của học sinh sẽ được đánh giá và có thể xuất bản để trưng bày như một sản phẩm minh chứng cho mức độ nắm kiến thức của học sinh. |
|
Giao bài tập theo nhóm Đối với những học sinh ở lớp lớn, chúng có thể di chuyển đến nhà nhau, tại sao bạn không cho học sinh cơ hội được làm bài tập theo nhóm trong đó mỗi học sinh được phép hoàn thành một phần của công việc. Ví dụ, học sinh cùng nhau làm nhóm thiết kế mô hình thành Cổ Loa, hay mô hình tái hiện chiến thắng Bạch Đằng,… Điều quan trọng là, giáo viên cần yêu cầu học sinh phân công nhiệm vụ rõ ràng, ghi chép lại tiến trình của hoạt động và luôn suy ngẫm về vai trò của cá nhân trong quá trình làm việc nhóm. |
Download bản PDF tại đây
Xem thêm: BỘ TÀI LIỆU GIẢNG DẠY LỊCH SỬ 6 – MS 600
Giáo viên Lịch sử
___________________________________________________________________________________________________
Bài viết trên website thuộc bản quyền của Dự án Giáo viên Lịch sử, việc sử dụng một phần hoặc toàn bộ bài viết phải được sự đồng ý chính thức của tác giả và có trích dẫn nguồn đầy đủ.