9 Ý tưởng để dạy học sinh về sự khác biệt quan điểm và góc nhìn trong môn Lịch sử

Việc phân tích, đánh giá các nhân vật, sự kiện lịch sử từ cả hai phía sẽ giúp học sinh hiểu sâu sắc hơn và có cái nhìn đa chiều. Nhưng đây lại là một kĩ năng khó đối với học sinh, nhất là khi các em chưa có đủ kiến thức nền cũng như chưa có những kĩ năng cần thiết.

1 1,726

Việc phân tích, đánh giá các nhân vật, sự kiện lịch sử từ cả hai phía sẽ giúp học sinh hiểu sâu sắc hơn và có cái nhìn đa chiều. Nhưng đây lại là một kĩ năng khó đối với học sinh, nhất là khi các em chưa có đủ kiến thức nền cũng như chưa có những kĩ năng cần thiết. Trong bài viết dưới đây, tôi sẽ giới thiệu với các thầy cô một số cách đơn giản nhưng rất hiệu quả để dạy học sinh về sự khác biệt giữa các quan điểm, góc nhìn khác nhau về một nhân vật hoặc sự kiện lịch sử.

DẠY VỀ CÁC NHÂN VẬT

  1. Thần Janus hai mặt

Trong thần thoại La Mã, Janus là vị thần của sự khởi đầu và kết thúc. Thần Janus thường xuất hiện với hai khuôn mặt nhìn về hai hướng đối lập. Điều này sẽ được dùng làm biểu tượng cho hai mặt của vấn đề.

Giáo viên sẽ cung cấp cho học sinh một mẫu hình ảnh hai mặt đối diện nhau (theo mẫu) hoặc cho học sinh tự vẽ vào vở. Học sinh sẽ hoàn thành từng mặt của nhân vật/ sự kiện. Đầu tiên học sinh sẽ liệt kê những điểm tốt, những mặt tích cực, những đóng góp của nhân vật/sự kiện. Mặt còn lại, học sinh sẽ hoàn thành các điểm xấu, những mặt hạn chế, những tác động tiêu cực của sự kiện.

Sau khi hoàn thành xong, giáo viên và học sinh sẽ cùng có hoạt động trao đổi thảo luận về hai mặt của một sự kiện. Tại sao trong trường hợp này lại tốt, trường hợp kia lại xấu? Tại sao mỗi sự kiện, nhân vật lại có nhiều cách nhìn nhận, đánh giá khác nhau.

  1. Huân chương/Lệnh truy nã

Giáo viên tạo một poster hai mặt, một mặt là “Huân chương” và một mặt là “Lệnh truy nã”. Học sinh sẽ viết những hành động/ lý do mà nhân vật được trao huân chương. Học sinh sẽ lật ngược mặt còn lại và viết những lý do khiến cho nhân vật bị truy nã – đó là những hành vi xấu, những hậu quả mà nhân vật/sự kiện gây ra.

Hoạt động này rất phù hợp khi đánh giá về các nhà thám hiểm, lãnh đạo chuyên chế, độc tài, vua, nữ hoàng và tổng thống.

Sau hoạt động, giáo viên có thể cùng học sinh trao đổi thảo luận: tại sao có nhân vật thời điểm này được thưởng huân chương mà ở giai đoạn sau lại trở thành kẻ phạm tội? Ở giai đoạn này họ là vĩ nhân lịch sử, giai đoạn sau họ lại là tội đồ?

DẠY VỀ CÁC SỰ KIỆN

  1. Hai góc nhìn

Hoạt động này thực sự giúp học sinh nhìn vào cả hai mặt của một sự kiện. Tên sự kiện hoặc nhân vật sẽ được viết giữa trang. Ở bên trái và bên phải là tiêu đề: ưu và nhược điểm; tích cực hoặc hạn chế, đóng góp hoặc hậu quả.

Ví dụ, nhân vật ở đâu là Hồ Quý Ly, học sinh có thể liệt kê một bên là ý kiến và quan điểm của tôn thất nhà Hồ và một bên là quan điểm của những người ủng hộ họ Trần.

Giáo viên có thể điều chỉnh thêm nhiều góc nhìn khác, ví dụ như góc nhìn hiện đại, góc nhìn của nhà Minh, góc nhìn của người dân thường, góc nhìn của các thương nhân thời bấy giờ,…

  1. Ba cái đầu

Đây là một trong những hoạt động mà học sinh của tôi rất yêu thích. Hoạt động này cho phép học sinh có nhiều hơn hai góc nhìn về một nhân vật hoặc sự kiện. Tôi đặt ra một câu hỏi như “Lợi ích của việc nhường ngôi của Dương Vân Nga là gì?”, “Quan điểm của bạn về việc vua Gia Long nhường ngôi cho con thứ?” Và “Bạn có ủng hộ việc sát hại các vị công thần đầu thời Lê hay không?”. Giáo viên phát cho học sinh 3 “cái đầu đang suy nghĩ” cho ba nhóm với ba góc nhìn khác nhau.

  1. Viết thư hoặc nhật ký

Khi tìm hiểu về nhiều sự kiện trong lịch sử từ các tư liệu gốc, đặc biệt là thư và nhật ký. Yêu cầu học sinh viết nhật ký, viết thư là một cách hiệu quả để nhìn vào hai mặt của một sự kiện. Tôi thích để học sinh viết thư với tư cách là những người lính ở hai bên trận tuyến trong một cuộc chiến. Ví dụ, một người lính Bắc Triều Tiên sẽ viết gì cho một người lính Hàn Quốc hoặc một người lính Đức và một người lính Liên Xô sẽ viết gì về trận Stalingrad.

  1. Sơ đồ ven và sơ đồ chữ T

Mặc dù rất đơn giản nhưng các biểu đồ Venn và biểu đồ chữ T lại là những công cụ hiệu quả học sinh nhìn thấy được nhiều góc nhìn khác nhau của sự kiện. Đối với cả hai loại sơ đồ này, học sinh đều có thể dễ dàng vẽ và hoàn thành vào vở. Ví dụ, học sinh có thể dùng biểu đồ ven để so sánh góc nhìn của quân đội Anh và quân đội Lục địa trong cuộc chiến tranh giành độc lập hoặc thái độ của giai cấp nông dân và giai cấp địa chủ về vấn đề ruộng đất.

Trong một số trường hợp, học sinh có thể vẽ sơ đồ ven với 3 vòng tròn, đại diện cho ba góc nhìn khác nhau.

DẠY VỀ NHÂN VẬT HOẶC SỰ KIỆN

  1. Đánh giá 4 góc

Sau khi hoàn thành nội dung bài học về sự kiện và nhân vật, giáo viên sẽ viết một bảng thông báo ở 4 góc:

– Góc 1: Hoàn toàn đồng ý

– Góc 2: Đồng ý một phần

– Góc 3: Phản đối một phần

– Góc 4: Phản đối hoàn toàn

Giáo viên sẽ cho học sinh được phép di chuyển về góc thể hiện cho quan điểm của mình. Các học sinh chọn cùng một góc sẽ tạo thành nhóm và cùng nhau thảo luận, ghi lại những quan điểm của mình.

Hết thời gian thảo luận, giáo viên sẽ cho phép mỗi nhóm được cử đại diện đến thuyết trình quan điểm của mình cho các nhóm còn lại. Nhiệm vụ của học sinh sẽ phải ghi lại quan điểm của nhóm bạn mình.

Sau khi học sinh hoàn thành phần trình bày, giáo viên cho cả lớp thảo luận về các vấn đề như:

– Tại sao lại có nhiều góc nhìn khác nhau?

– Cách đánh giá nào là thuyết phục nhất?

– Có thể đạt được sự đồng thuận về cách đánh giá không? Vì sao có, vì sao không?

  1. Stalin gặp Hitler

Hoạt động sáng tạo cuộc đối thoại giữa hai nhân vật có quan điểm và lợi ích đối lập nhau sẽ là một cách thú vị giúp học sinh hiểu được các góc nhìn khác nhau về cùng một vấn đề. Giáo viên sẽ chọn hai nhân vật ở hai trận tuyến đối lập nhau, tưởng tượng hai nhân vật đó gặp nhau trong một cuộc gặp chính thức/không chính thức. Sau đó, viết lời thoại về cuộc đối thoại của hai nhân vật.

Giáo viên có thể cho học sinh sân khấu hóa, diễn lại nội dung cuộc hội thoại. Sau đó cho học sinh thảo luận, hai nhân vật đó đã có quan điểm khác nhau như thế nào? Điều gì dẫn đến sự khác biệt trong quan điểm của họ? Điều gì các nhân vật đang cố tình che giấu?

  1. Bài xã luận hoặc báo cáo

Học sinh có thể viết một bài xã luận, một báo cáo tin tức, hoặc thậm chí vẽ một tranh biếm họa đứng trên một góc nhìn cụ thể về một quan điểm của một sự kiện hoặc nhân vật. Sau khi hoàn thành xong hoạt động này, học sinh sẽ trao đổi với các học sinh có quan điểm khác biệt hoặc đối lập. Giáo viên có thể tạo nên cuộc tranh biện giữa các quan điểm khác nhau.

Học sinh sau đó sẽ thảo luận vì sao lại có sự khác biệt về quan điểm? Yếu tố ngôn ngữ nào đã thể hiện rõ định kiến trong ngôn ngữ của các bên khi nhìn nhận về vấn đề?

Ví dụ: Sự kiện Tết Mậu Thân trong cuộc kháng chiến chống Mỹ của Việt Nam sẽ được người Mỹ đưa tin như thế nào? Và Việt Nam đưa tin ra sao?

Hãy thử và chia sẻ với chúng tôi về kết quả của học sinh!

Nguyễn Hữu Long

____________________________________________________________________________________

Bài viết này thuộc bản quyền của Dự án Giáo viên Lịch sử, việc sử dụng một phần hoặc toàn bộ bài viết phải được sự đồng ý chính thức của tác giả và có trích dẫn nguồn đầy đủ.

1 Comment
  1. […] – Sau khi tổ chức cho học sinh tìm hiểu những nội dung kiến thức cơ bản của cuộc Chiến tranh thế giới thứ nhất: nguyên nhân, diễn biến, kết quả của cuộc chiến. Giáo viên chia lớp thành 4 nhóm và giao nhiệm vụ cho các nhóm. […]

Leave A Reply

Your email address will not be published.