Ý TƯỞNG DẠY HỌC – THIẾT KẾ POSTER TUYÊN TRUYỀN VỀ THÀNH TỰU XÂY DỰNG CHỦ NGHĨA XÃ HỘI Ở LIÊN XÔ (1922 – 1940)

NHIỆM VỤ Hãy đứng trên quan điểm của nhà nước Xô Viết, thiết kế một poster tuyên truyền cho người dân về những thành tựu/quá trình xây dựng chủ nghĩa ở Liên Xô (1924 – 1940).

0 1,333

Poster tuyên truyền (propaganda) là thứ mà mọi chính phủ đều sử dụng nhằm thuyết phục người dân tin vào một điều gì đó (thường là đường lối, chủ trương của chính phủ).
Sự ra đời của các poster tuyên truyền đã có từ thời cổ đại, tuy nhiên nó được sử dụng một cách phổ biến từ trong cuộc chiến tranh thế giới thứ Nhất (1914 – 1918) cho đến ngày nay. (các thầy cô có thể tham khảo bài viết Sử dụng tranh tuyên truyền cổ động khi dạy về CTTG 1)
Dưới thời kì Xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô, hệ thống tranh tuyên truyền cổ động cũng được sử dụng một cách rộng rãi. Mục đích của nó nhằm:

  • Ca ngợi những thành tựu xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô
  • Ca ngợi các lãnh tụ của Đảng, nhà nước Xô Viết
  • Tuyên truyền về đường lối xây dựng CNXH
  • Động viên nhân dân hăng hái tham gia sản xuất và xây dựng CNXH
  • Tố cáo, lên án các hành động của các nước TBCN và các thế lực thù địch.

Những poster tuyên truyền này có sức ảnh hưởng lớn đối với người dân tại thời điểm đó. Vì nó đánh đúng vào tâm lý của con người, nó được xây dựng dựa trên:

– Niềm tin, sự tự hào

– Danh dự và tự trọng

– Nỗi sợ hãi trước sự đe dọa của kẻ thù

– Ý thức về tinh thần tập thể
– …

Nếu có thời gian, giáo viên có thể tách thành một nội dung để dạy trong một bài học riêng biệt trong chương trình. (chắc chắn sẽ rất thú vị với học sinh). Nếu không có đủ thời gian, giáo viên có thể giao nhiệm vụ cho học sinh trong hoạt động vận dụng (Bài 10 – Liên Xô xây dựng chủ nghĩa Xã hội – Lịch sử 11)

NHIỆM VỤ
Hãy đứng trên quan điểm của nhà nước Xô Viết, thiết kế một poster tuyên truyền cho người dân về những thành tựu/quá trình xây dựng chủ nghĩa ở Liên Xô (1924 – 1940).

CÁC BƯỚC THỰC HIỆN:

  • Bước 1: Giáo viên giao nhiệm vụ học tập trên cho học sinh. Để thuận tiện hơn, giáo viên có thể in sẵn trên giấy và phát cho học sinh.
    Nếu trên lớp có đủ thời gian, giáo viên có thể cho học sinh thực hành luôn. Nếu không kịp, giáo viên có thể hướng dẫn và giao thành bài tập về nhà.
  • Bước 2: Giáo viên giới thiệu cho học sinh hiểu Poster tuyên truyền là gì? Những đặc điểm của nó? Thế nào là một poster thành công?
    Giáo viên đưa hướng dẫn cho học sinh về các bước để vẽ một poster (lên ý tưởng, chọn hình ảnh, chọn slogan, màu sắc,…)
  • Bước 3: Học sinh sẽ thực hiện nhiệm vụ thiết kế poster ở trên lớp (hoặc ở nhà). Giáo viên di chuyển và hỗ trợ những học sinh gặp khó khăn.
  • Bước 4: Học sinh sẽ trưng bày poster của mình trên tường lớp học và tổ chức thành một hoạt động triển lãm nhỏ. Giáo viên và học sinh sẽ di chuyển xung quanh để nghe học sinh thuyết trình về từng poster.
  • Bước 5: Học sinh di chuyển về vị trí ngồi, cùng giáo viên thực hiện hoạt động thảo luận, suy ngẫm về quá trình thiết kế poster của mình.
    Những câu hỏi suy ngẫm mà giáo viên có thể đặt ra cho học sinh:
    + Theo em, động cơ mục đích của việc thiết kế poster tuyên truyền là gì?
    + Khi thiết kế poster, em cảm thấy khó khăn nhất ở đâu?
    + Những kiến thức và kĩ năng mà em đã học được từ việc thiết kế poster?
    + Em có nhận ra sự liên hệ nào giữa poster tuyên truyền trong lịch sử và những tranh áp phích tuyên truyền, cổ động ngày nay hay không?
    + Em có thể áp dụng hoạt động thiết kế poster tuyên truyền này trong cuộc sống và trong các môn học khác như thế nào?

Các thầy cô thấy đó, để dạy một điều gì đó cho đến nơi, luôn đòi hỏi chúng ta phải đầu tư thời gian, công sức và trí tuệ. Đừng ngại mất thời gian, đừng sợ không đúng chương trình, đừng lo học sinh không đạt điểm cao trong bài thi và cũng đừng hoảng hốt khi một ai đó nói rằng, thầy cô đang “dạy sai”. Bởi vì, chúng ta đang làm điều gì đó tốt cho nhận thức của học sinh, có ích cho cuộc sống và nghề nghiệp sau này của người học. Điều đó hẳn chẳng phải là tốt hơn so với việc ghi chép và học thuộc hay sao?
(Nguyễn Hữu Long)


Bài viết trên website thuộc bản quyền của Dự án Giáo viên Lịch sử, việc sử dụng một phần hoặc toàn bộ bài viết phải được sự đồng ý chính thức của tác giả và có trích dẫn nguồn đầy đủ.

THAM KHẢO BỘ TÀI LIỆU GIẢNG DẠY LỊCH SỬ 11

Leave A Reply

Your email address will not be published.