Ý tưởng dạy học: Hướng dẫn học sinh cách ghi vở theo hai cột

Việc hướng dẫn học sinh cách ghi chép thành hai cột sẽ giúp xác định thông tin quan trọng trong bài giảng của giáo viên, các bộ phim tài liệu hoặc trong các tư liệu. Giáo viên có thể sử dụng chiến lược ghi chép này để giúp học sinh chuẩn bị cho hoạt động thảo luận hoặc bắt đầu một hoạt động viết.

1 696

Việc hướng dẫn học sinh cách ghi chép thành hai cột sẽ giúp xác định thông tin quan trọng trong bài giảng của giáo viên, các bộ phim tài liệu hoặc trong các tư liệu. Giáo viên có thể sử dụng chiến lược ghi chép này để giúp học sinh chuẩn bị cho hoạt động thảo luận hoặc bắt đầu một hoạt động viết. Yêu cầu học sinh ghi chép theo hai cột cũng là một cách hiệu quả để giúp bạn xác định những lỗi sai của học sinh trong quá trình học tập để kịp thời điều chỉnh.

Hướng dẫn thực hiện

  1. Chuẩn bị

Giáo viên yêu cầu học sinh chuẩn bị vở ghi chép trong đó các trang được chia đôi bằng một đường kẻ. Phía bên trái ghi tiêu đề “Ý tưởng/nội dung chính” và bên phải ghi tiêu đề “Nhận xét – phản hồi”.

Trong mục “Ý tưởng/nội dung chính” thường đề cập đến các điểm chính của tư liệu, nhưng nó cũng có thể bao gồm một số các thông tin chi tiết. Giáo viên hướng dẫn học sinh về độ sâu và độ rộng của việc ghi chép mà bạn muốn học sinh thể hiện. bao gồm: Những ý tưởng nào quan trọng nhất cần ghi nhớ? Những thuật ngữ hoặc khái niệm mới nào đã được giới thiệu?

Ở mục “Nhận xét – Phản hồi” đề cập đến các câu hỏi, diễn giải và nhận xét, bình luận về nhân vật, sự kiện hoặc vấn đề lịch sử. Bao gồm: Thông tin này đặt ra cho bạn những câu hỏi nào? Thông tin này gợi cho bạn những ý tưởng, sự kiện hoặc tư liệu nào khác? Tại sao bạn nghĩ thông tin này quan trọng và / hoặc liên quan đến nội dung bài học? Làm thế nào để thông tin này kết nối với cuộc sống của bạn? Bạn nghĩ gì về những ý tưởng này?

Nếu đây là lần đầu tiên học sinh ghi chép theo cách này, bạn nên thảo luận và hướng dẫn cho học sinh chi tiết hơn về cách viết trong hai cột “ý tưởng/nội dung chính” và “Nhận xét – phản hồi” và sau đó làm mẫu để học sinh có thể hình dung.

  1. Học sinh ghi chép

Trong khi nghe giảng, xem phim tư liệu hoặc đọc các đoạn tư liệu, hãy yêu cầu học sinh ghi thông tin vào cả cột bên trái và bên phải của bảng. Một số học sinh có thể gặp khó khăn khi ghi thông tin vào cả hai cột cùng một lúc, đặc biệt là trong khi nghe giảng hoặc xem phim. Giáo viên có thể yêu cầu học sinh ghi lại thông tin vào cột bên trái trước. Sau đó, sau khi nghe, đọc hoặc xem xong phim tư liệu, học sinh có thể ghi lại câu trả lời của mình ở cột bên phải. Khi có thể, khuyến khích học sinh đọc hoặc xem lại tư liệu để kiểm tra tính chính xác của thông tin đã ghi và bổ sung những ý tưởng đã bỏ sót.

  1. Học sinh chia sẻ ghi ghi chép của mình

Học sinh chia sẻ ghi chép của mình với một bạn khác hoặc với một nhóm nhỏ. Học sinh thực hiện nhận xét, phản hồi chéo về cách ghi chép của nhau và bổ sung, chỉnh sửa các thông tin sai sót hoặc còn thiếu trong vở ghi của mình.

  1. Học sinh tự đánh giá

Nhiều giáo viên cho rằng việc ghi chép là điều hiển nhiên học sinh phải biết. Nhưng thông thường, học sinh sẽ không thể ghi chép tỉ mỉ và hiệu quả nếu không được dạy. Để giúp học sinh nhận ra điểm mạnh những điểm cần chỉnh sửa trong quá trình ghi chép, hãy cho chúng cơ hội để suy ngẫm, học sinh sẽ cần tái hiện lại toàn bộ quá trình ghi chép của mình để nhận ra cách nào là hiệu quả và những điều cần phải thay đổi. Học sinh có thể suy ngẫm dựa vào các câu hỏi sau:

– Việc ghi chép có gì dễ dàng? Khó khăn trong quá trình ghi chép là gì?

– Việc ghi chép thế nào là hiệu quả? Thế nào là không hiệu quả?

– Những điều bạn đã học được và cần phải thay đổi trong quá trình ghi chép?

Sau đó, bạn có thể tổ chức một cuộc thảo luận trong lớp, trong đó học sinh trình bày các chiến lược ghi chép và các câu hỏi đặt ra.

Bạn có thể chú ý đến các chiến thuật sau:

– Cách viết tắt.

– Gạch chân từ vựng/thuật ngữ lịch sử mới.

– Dừng lại ở các dòng/đoạn có ý tưởng mới.

– Vẽ minh họa các nội dung hoặc kết nối các sự kiện với nhau.

– Ghi chép bằng cách sử dụng các ký hiệu và hình vẽ kết hợp cùng các từ ngữ.

– Đừng lo lắng về chính tả khi bạn ghi chép. Bạn có thể kiểm tra và chỉnh sửa lỗi chính tả sau này.

– Sử dụng dấu gạch đầu dòng để liệt kê các điểm chính, phụ.

– Đặt một ngôi sao đánh dấu các ý chính.

– Đặt một dấu chấm hỏi nếu có bất cứ điều gì bạn không hiểu.

Các biến thể của hoạt động

Thay vì hai cột “Nội dung/ý tưởng chính” và “Nhận xét – phản hồi”, giáo viên có thể chọn bất kỳ tiêu đề nào cho hai cột đáp ứng nhu cầu của hoạt động hoặc bài học, bao gồm:

  1. Trích dẫn quan trọng / Ý nghĩa
  2. Thuận lợi/ Khó khăn – Tích cực / Hạn chế
  3. Sự kiện / Quan điểm
  4. Lập luận / Bằng chứng

Một số mẫu ghi chép giáo viên có thể tham khảo:

Hãy nhớ một điều, kĩ năng ghi chép sẽ không tự nhiên mà có, học sinh sẽ không thể tự ghi chép hiệu quả nếu bạn không dạy chúng. Đừng ngại mất thời gian, cùng đừng lo lắng về vấn đề vở sạch chữ đẹp, hãy nghĩ đến hiệu quả của việc ghi chép, hãy nghĩ đến mục tiêu giúp học sinh tư duy tốt hơn về các nội dung của bài học, chắc chắn bạn sẽ thành công.

Nguyễn Hữu Long      

________________________________________________________________________________________________

Bài viết trên website thuộc bản quyền của Dự án Giáo viên Lịch sử, việc sử dụng một phần hoặc toàn bộ bài viết phải được sự đồng ý chính thức của tác giả và có trích dẫn nguồn đầy đủ.

Leave A Reply

Your email address will not be published.